Lịch sử hình thành và phát triển

98 Nguyễn Trường Tộ – TP Vinh – Nghệ An
Hotline:

0886 459 898

AGRIMEX NGHỆ AN
Lịch sử hình thành và phát triển
Ngày đăng: 07/07/2023 02:43 PM

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ, chính quyền, ngành Nông nghiệp và nhân dân tỉnh Nghệ An bắt tay vào giai đoạn mới hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng miền Bắc quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu thuẫn vững chắc cho miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước có chủ trương xây dựng Ba ngọn cờ hồng” ở nông thôn là: Hợp tác xã nông nghiệp – Hợp tác xã tín dụng – Hợp tác xã mua bán.
Ngày 15/10/1954, Hợp tác xã mua bán tỉnh Nghệ An được thành lập để phục vụ trao đổi mua bán các mặt hàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân và hợp tác xã như bò giống, lợn giống, nông cụ sản xuất ( cày 51, bừa chữ nhi, cuốc, bàn vét, lưỡi cày…).
Hợp tác xã được thành lập để thay thế dần các tổ đổi công. Sự ra đời của Hợp tác xã đóng một vai trò vô cùng quan trọng, tác động tích cực đến kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà lúc bấy giờ.
Chủ nhiệm HTX mua bán tỉnh Nghệ An đầu tiên là Ông Võ Trọng Ân. Sau đó là Ông Nguyễn Tất Nhã khi Ông Võ Trọng Ân được Tỉnh ủy bổ nhiệm chức vụ Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An.
Tiếp đó lần lượt các Ông: Nguyễn Như Dũ, Trương Thi được Tỉnh bổ nhiệm nắm giữ chức vụ Chủ nhiệm.
Cán bộ trưởng thành từ Hợp tác xã mua bán tỉnh Nghệ An sau này đều nắm giữ những chức vụ quan trọng phụ trách lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh nhà (Ông Nguyễn Tất Nhã: Thường vụ Tỉnh ủy- phụ trách nông nghiệp; Ông Nguyễn Như Dụ: Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách nông nghiệp; Ông Trương Thi – Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Nghệ An).
Đến năm 1960, Hợp tác xã mua bán sáp nhập với Ty thương nghiệp thành lập Công ty tư liệu sản xuất- đơn vị tiền thân của Tổng công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An ngày nay.
55 năm qua cán bộ, công nhân viên Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã vượt muôn vàn khó khăn, thử thách, xây dựng Tổng công ty ngày càng phát triển và lớn mạnh. Từ một doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng vật tư phục vụ nông nghiệp. Với những nỗ lực, phấn đấu, ngày nay Tổng công ty cổ phần nông nghiệp Nghệ An đã phát triển với những bước tiến nhảy vọt mà ít đơn vị làm được đó là vừa làm tốt công tác sản xuất, kinh doanh, vừa làm tốt công tác nghiên cứu khoa học và tham gia tích cực, có hiệu quả các hoạt động xã hội nhân đạo. Đây cũng là đơn vị cổ phần hóa có hiệu quả nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An với mức tăng trưởng hàng năm từ 20 đến 25%, cổ tức chi trả ổn định 20%/năm trên 10 năm sau cổ phần hóa.
Sự trưởng thành của đơn vị gắn liền với những kết quả đạt được trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt, những năm gần đây, Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã cùng đồng hành, vào cuộc, tạo đà bứt phá cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh về đích trước trong chương trình trọng điểm Quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần hết sức quan trọng thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam.
Quá trình phát triển của Tổng công ty đã được khẳng định trong từng giai đoạn lịch sử.


GIAI ĐOẠN 1 (1960 – 1975):


Ngày 01/06/1960, đánh dấu sự ra đời của Công ty tư liệu sản xuất, đây là tiền thân của Tổng công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An. Trụ sở Công ty được đặt tại khu vực Cửa Tiền trong khuôn viên nhà thờ Cầu Rầm, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Ông Nguyễn Danh Thân – cán bộ tiền khởi nghĩa 30-31, phó ban HTX mua bán của tỉnh được điều động, bổ nhiệm làm Giám đốc.
Buổi đầu thành lập, đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề. Hàng hóa vật tư chủ yếu phụ thuộc vào chế độ cấp phát định kỳ của nhà nước. Đội ngũ cán bộ được tăng cường cho công ty chủ yếu chuyển lên từ Hợp tác xã mua bán và Hợp tác xã nông nghiệp, chưa có kinh nghiệm chuyên môn trong công tác nghiệp vụ. Trong khi đó nhiệm vụ được Tỉnh giao hết sức nặng nề, cung ứng phục vụ đa dạng các mặt hàng phục vụ cho công tác sản xuất và tiêu dùng như: lò vôi, cày chữ nhi, cuốc, bàn vét, lưỡi cày, dầu hỏa, dầu mazút, vải vóc, kim chỉ, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú ý, dụng cụ thú y…Ngoài ra còn phải xây dựng và thành lập các trại tạo con giống như: trâu, bò, lợn… để cung ứng giống phục vụ cày kéo và chăn nuôi.
Công ty có trại lợn giống ở Đồng Nông (Quỳnh Lưu), trại giống Đô Thành (Yên Thành) đã tạo ra hàng ngàn con giống cung cấp cho bà con nông dân chăn nuôi cung ứng thực phẩm phục vụ cho hậu phương và tiền tuyến góp phần quan trọng trong cuộc kháng chiến Chống Mỹ cứu nước. Lúc này mạng lưới phục vụ của Công ty chủ yếu thông qua cửa hàng của hợp tác xã mua bán.
Năm 1965, chiến tranh diễn ra ác liệt tại thành phố Vinh.Công ty phải sơ tán địa điểm ra xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tiếp tục tổ chức sản xuất cung ứng phục vụ nông nghiệp.
Cuối năm 1967, đầu năm 1968, Mỹ tăng cường đánh phá khắp miền Bắc, tình hình sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và thiệt hại nặng nề đã ảnh hưởng chung đến hoạt động của đơn vị. Năm 1968, Công ty một lần nữa lại phải di dời địa điểm, sơ tán lên xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Tại đây, trong vụ Mỹ thả bom Cầu Khuôn, Đô Lương vào tháng 10 năm 1968, có 03 cán bộ công ty đã trúng bom hy sinh. Khó khăn chồng chất khó khăn là điều kiện làm việc chung của cán bộ, công nhân viên công ty thời kỳ đó.
Tháng 10 năm 1969, thực hiện chủ trương về phân cấp quản lý vật tư nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp. Công ty tư liệu sản xuất được đổi tên thành Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An theo Nghị quyết 192/NQ-BNN của Bộ. Trong điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh gian nan, vất vả, nhiều lần nguy hiểm đến tính mạng như vậy, nhưng công ty vẫn luôn bám sát địa bàn hoạt động để cung ứng kịp thời đầy đủ số lượng, chất lượng các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là thời kỳ mà cán bộ công nhân viên phải chịu nhiều gian khổ hy sinh nhất trong suốt chặng đường phát triển. Rất nhiều cán bộ nghiệp vụ đã phải làm việc trong điều kiện trên bom, dưới đạn để bảo vệ, áp tải đưa được hàng về kho kịp thời, an toàn cung ứng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Với những nỗ lực của cả tập thể đơn vị, từ năm 1967 đến năm 1975 Công ty liên tục hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao.
Năm 1970, sau khi Ông Nguyễn Danh Thân nghỉ hưu, Ông Lê Đình Hán được bổ nhiệm làm Giám đốc.
Thời kỳ 1970 đến 1976, hoạt động của công ty đã ổn định hơn, sản lượng doanh số cung ứng bán ra một số mặt hàng như phân bón đã có bước tăng trưởng so với trước đây.
Tháng 2 năm 1974, Công ty vinh dự đón nhận danh hiệu Huân chương kháng chiến hạng Ba và được đồng chí Trương Kiện – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An trực tiếp
về trao tặng.
Năm 1975, sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất nước, công ty chuyển địa điểm về xã Hưng Đông, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Tổng hợp số liệu cung ứng từ năm 1960-1975:

STT Mặt hàng ĐVT Số lượng Thành tiền (VNĐ)
1 Phân bón Tấn 480 131.000.000
2 Thuốc trừ sâu Tấn 5.02 10.500.000
3 Hạt giống Tấn 25 9.000.000
4 Trâu bò Con 67 15.800.000
5 Nông cụ Cái 110 30.200.000
6 Mặt hàng cơ khí Cái 9 27.000.000
7 Nhiên liệu Tấn 10 15.000.000
8 Thuốc, dụng cụ thú y     1.500.000
Cộng        240.000.000

 

 

 

 

GIAI ĐOẠN 2 (1976-1989):


Ngày 20/9/1975, Bộ chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 245 NQ-TW về việc bỏ cấp khu và tiến hành sáp nhập các tỉnh. Trên cơ sở đó, ngày 27/12/1975, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định hợp nhất 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Sau nhập tỉnh, Công ty đã sáp nhập với Công ty vật tư nông nghiệp Hà Tĩnh và được đổi tên thành Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ Tĩnh.
Thị phần phục vụ của Công ty giai đoạn này được mở rộng với 27 huyện thị của tỉnh Nghệ Tĩnh.Tuy nhiên, do địa bàn hoạt động khá rộng, thông tin liên lạc và phương tiện đi lại còn rất lạc hậu, cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề do hậu quả của những năm tháng chiến tranh để lại…Nên để hoàn thành được nhiệm vụ cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ thực sự muôn vàn khó khăn, gian khổ đối với cán bộ, công nhân viên Công ty.
Mặt hàng cung ứng giai đoạn này tiếp tục gắn liền với phân bón, giống, mua bán trâu bò, than, đá vôi, nông cụ cày, bừa…), thuốc thú y, nhiên liệu (xăng, dầu mazut)…Riêng phân bón không chỉ đơn thuần một hai loại như trước đây, mà đã có đa dạng chủng loại hơn như: Đạm Hà Bắc, Đạm Sunphát, Kaly Clorua, Lân Lâm Thao, Lân Văn Điển, NPK, Phốt pho ríc,…
Nguồn cung phân bón và các mặt hàng phục vụ nông nghiệp chủ yếu được phân bổ theo kế hoạch Trung ương (thông qua Cục Tư liệu sản xuất hay còn gọi là Cục Vật tư nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp). Có được kế hoạch cấp phát, nhưng để điều chuyển, xin phương tiện vận tải đưa hàng hóa về tận cơ sở sản xuất là một sự cố gắng, nỗ lực không nhỏ của cán bộ, công nhân viên công ty.
Hơn nữa, lúc này phân bón chủ yếu được giao hàng rời, nhận trực tiếp tại Nhà máy sản xuất ở các tỉnh miền núi phía Bắc hoặc trên tàu biển lớn nhập khẩu về cảng Hải Phòng. Để tiếp nhận, công ty phải bố trí lực lượng cán bộ, công nhân bám sát từ chân hàng. Các tổ áp tải, nhất là áp tải super lân Lâm Thao rời đi đường sắt từ Phú Thọ, Hải Phòng về Vinh không kể hết được sự gian nan, vất vả và nguy hiểm.
Đối với hàng giao đường thủy, phải chuyển tải trên tàu lớn từ đảo Hòn Ngư về Cảng Cửa Hội, Cảng Bến Thủy,…Để tiếp nhận và giải phóng kịp thời, công ty mở các chiến dịch huy động cán bộ CNV từ văn phòng đến cơ sở trực tiếp tham gia. Do điều kiện lúc này phương tiện giải phóng, xếp dỡ hàng hóa còn lạc hậu nên thời gian chiến dịch thường kéo dài hàng tháng trời. Số cán bộ làm nhiệm vụ rất vất vả khi phải thường xuyên làm việc nơi đầu sóng, ngọn gió. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết xấu, mưa bão, cán bộ giao nhận hàng phải lênh đênh trên biển hàng chục ngày trời. Thậm chí trong những ngày lễ, tết truyền thống của dân tộc, hàng hóa vẫn đảm bảo thông ca, máng, tất cả đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để đảm bảo tiến độ giao nhận hàng đã ký kết với khách hàng nước ngoài.
Năm 1976, Ông Lê Đình Hán nghỉ hưu, Ông Thân Bá Bính được bổ nhiệm làm Giám đốc công ty.
Năm 1983, Ông Thân Bá Bính nghỉ hưu, Ông Nguyễn Cự Cường được bổ nhiệm và nắm giữ chức vụ cho đến khi chia tách thành hai Tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh. Thời điểm này công ty cũng được chuyển về khu vực Tổng kho Ga Vinh (số 98- đường Nguyễn Trường Tộ – Thành phố Vinh) để thuận lợi cho công tác tiếp nhận, giao dịch, vận chuyển hàng hóa.
Từ năm 1978 đến 1988, công ty có sự xáo trộn, sắp xếp lại tổ chức do chủ trương cải tổcủa Trung ương.
Năm 1978, thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng về việc xây dựng “Pháo đài huyện”, Trung ương Đảng xác định rõ “Mỗi huyện tổ chức một cơ quan cung ứng vật tư kỹ thuật cho nông nghiệp, công nghiệp và cho các hoạt động kinh tế khác trong huyện…” trên tinh thần sử dụng ngay trạm vật tư nông nghiệp là tổ chức sẵn có ở huyện, chuyển thành Công ty Vật tư cấp 3 kinh doanh tổng hợp.
Thực hiện chủ trương đó, công ty tiến hành các thủ tục bàn giao các trạm về huyện để thành lập công ty vật tư nông nghiệp huyện, hạch toán độc lập.
Năm 1988, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh đã đánh giá tồn tại, hạn chế của việc chia tách trạm huyện và cho sáp nhập trở lại trực thuộc công ty vật tư nông nghiệp tỉnh theo quyết định số 1738 QĐ/UB của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời tách các mặt hàng cung ứng theo từng lĩnh vực như: Nông cụ chuyển về công ty Cơ khí; giống chuyển về công ty Giống cây trồng; thuốc bảo vệ thực vật về công ty Bảo vệ thực vật; trâu bò chuyển về công ty Chăn nuôi gia súc…
Việc các trạm huyện qua hai lần bàn giao đã gây tốn kém, vất vả và ảnh hưởng gián đoạn trong kinh doanh phục vụ của Công ty.
Cũng trong giai đoạn này các cơn bão lớn thường xuyên đổ bộ về tỉnh Nghệ Tĩnh vào các năm: 1978, 1982, 1984, 1988 và 1989 đã gây ra nhiều hư hỏng, tổn thất về kho tàng, nhà cửa, hàng hóa của Công ty. Trước tình hình đó, vừa khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty vừa bám sát thời vụ nông nghiệp. Quyết tâm cung ứng đủ hàng hóa để không ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nông dân.
Điều kiện hoạt động khó khăn như vậy, nhưng với sự đoàn kết nhất trí cao của tập thể lãnh đạo và sự đồng tâm hiệp lực của cán bộ CNV, nhiều năm liền Công ty vật tư nông nghiệp Nghệ Tĩnh luôn là một trong những lá cờ đầu của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Với những thành tích đã đạt được trong lao động sản xuất, công ty vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý: Huân chương lao động hạng Hai, hạng Ba và Bằng khen của UBND Tỉnh. Đây chính là kết tinh thành quả lao động quên mình và sự hy sinh, sức sáng tạo của các thế hệ cán bộ CNV Công ty vật tư nông nghiệp Nghệ Tĩnh.

 

GIAI ĐOẠN 3 (1990-2015):

Giai đoạn này gắn liền với sự trưởng thành, phát triển toàn diện, xuất sắc của Tổng công ty trong suốt quá trình.Từ năm 1990 đến tháng 3/2005: Doanh nghiệp Nhà nước tự chủ sản xuất kinh doanh có sự điều tiết của Nhà nước. Năm 1990, Trung ương có chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành trực thuộc. Theo đó, chia tỉnh Nghệ Tĩnh thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Được Ủy ban nhân dân tỉnh chọn làm đơn vị thí điểm tách tỉnh từ tháng 5 năm 1990, Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ Tĩnh đã được tách thành 02 đơn vị là: Công ty Vật tư nông nghiệp 1 (Nghệ An) và Công ty Vật tư nông nghiệp 2 (Hà Tĩnh).Ông Nguyễn Cự Cường chuyển sang giữ chức vụ Giám đốc công ty Vật tư nông nghiệp 2 ( Hà Tĩnh) và sau đó được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh. Ông Trương Văn Hiền – phó Giám đốc Công ty Vật
tư nông nghiệp Nghệ Tĩnh được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Công ty Vật tư nông nghiệp 1 (Nghệ An).
Khi chia tách công ty, cơ sở vật chất của Công ty Vật tư nông nghiệp 2 ( Hà Tĩnh) chưa có gì nên lãnh đạo tỉnh và công ty đã ưu tiên vốn xây dựng cơ sở vật chất cho Công ty Vật tư nông nghiệp 2. Công ty Vật tư nông nghiệp 1 (Nghệ An) bắt đầu gây dựng lại. Với số vốn ít ỏi 1,1 tỷ đồng trong khi nợ tồn đọng chưa giải quyết là 1,4 tỷ đồng. Số lao động sau 2 lần tách, nhập các trạm huyện đã lên đến 1.150 người tại 21 đơn vị thành viên và 5 phòng nghiệp vụ. Biết bao khó khăn chồng lên vai bộ máy lãnh đạo công ty còn non trẻ. Ban giám đốc công ty cũ chỉ có 2 người, còn trưởng, phó các phòng ban chuyên môn đều mới được
bổ nhiệm, là những cán bộ trẻ tuy đã qua đào tạo chuyên môn nhưng chưa qua thực tế nên gặp nhiều khó khăn trong công tác điều hành chỉ đạo.
Mạnh dạn, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới là tư duy lãnh đạo xuyên suốt suy nghĩ và hành động của đồng chí Giám đốc Trương Văn Hiền. Tháng 10 năm 1990, để tháo gỡ khó khăn, tạo việc làm, từng bước ổn định đời sống cho cán bộ, công nhân viên, sau nhiều băn khoăn trăn trở, Ban lãnh đạo Công ty đã có quyết định táo bạo thành lập xưởng sản xuất phân NPK. Đây là một loại phân bón tổng hợp có đủ 3 loại Đạm- Lân- Kali được phối trộn theo một tỷ lệ nhất định, sử dụng thay thế hoàn toàn phân đơn- một khái niệm hoàn toàn mới mẻ đối với nông dân tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ.
Do điều kiện vật chất thiếu thốn, eo hẹp về kinh phí nên Công ty phải ra tận Hải Phòng mua lại dây chuyền cũ, sau đó mới từng bước nâng cấp, cải tạo cho phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế của đơn vị.
Dám tiếp cận cách làm mới, dám mạnh dạn đầu tư, nhưng để thay đổi thói quen đã ăn vào tiềm thức của bà con nông dân chuyển từ bón phân đơn sang bón phân tổng hợp cũng là một quá trình gian nan vất vả của đơn vị. Tuy nhiên, một điều rất thuận lợi là Công ty luôn nhận được sự tin tưởng, đồng hành và phối hợp của Sở nông nghiệp & PTNT cũng như các địa phương trong tỉnh. Nên từ việc triển khai thí điểm trên đồng ruộng mô hình nhỏ, đến việc nhân rộng trên diện tích lớn đã dần chứng minh cho bà con nông dân thấy được hiệu quả của việc sử dụng phân bón tổng hợp NPK và chuyển dần sang sử dụng phân bón tổng
hợp để đầu tư thâm canh. Đồng thời với việc tiên phong áp dụng chính sách cho nông dân vay ứng vật tư phân bón, công ty đã khẳng định được thương hiệu sản phẩm phân bón tổng hợp NPK Sao Vàng và từng bước phát triển thành sản phẩm mũi nhọn đem lại lợi nhuận chính cho đơn vị sau này. Năm 1992, Công ty được thành lập lại theo Nghị định 388/CP tại quyết định số 1741/QĐ-UB ngày 29/9/1992 của UBND tỉnh Nghệ An với tên gọi Công ty vật tư nông nghiệp Nghệ An.


Để tinh giảm biên chế, sắp xếp lại lao động theo chủ trương chung của Nhà nước, Công ty đã chi phí hơn 3,5 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động nghỉ hưu theo chế độ 176 với mức từ 20 triệu đến 30 triệu đồng/ người. Kinh phí thực hiện được huy động từ tất cả nguồn lực hiện có của đơn vị và thực hiện giải pháp giảm thu nhập của những người đang làm việc. Đồng thời xin chủ trương của Tỉnh tạo điều kiện cấp đất xây nhà ở cho cán bộ, công nhân viên có thời gian công tác lâu năm tại đơn vị. Việc làm này đã giải quyết hài hòa êm đẹp trong nội bộ công ty giữa người nghỉ và người ở lại. Khi số lao động còn lại 650 người
Công ty lại bước vào công cuộc cải tổ, sắp xếp nhân lực và bộ máy làm việc phù hợp trong toàn hệ thống. Việc tiếp theo là củng cố và bổ sung hệ thống quầy ốt bán lẻ trên địa bàn các huyện và thực hiện cơ chế “Giao khoán vốn định mức” cho các đơn vị trực thuộc. Với cơ chế kinh doanh linh hoạt, sự quản lý nhạy bén cùng sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống, đến cuối năm 1994, Công ty đã có 73 quầy ốt bán lẻ trên địa bàn toàn tỉnh.Số lượng quầy ốt tuy chưa đủ, nhưng đã phần nào giảm bớt khó khăn đi lại cho bà con nông dân mua hàng, đồng thời góp phần tăng cường sự lưu thông hàng hóa của Công ty và hình thành mạng lưới phục vụ đến từng cơ sở.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón dần đi vào ổn định, thị phần phục vụ ngày càng tăng trưởng. Tuy nhiên nguồn hàng cung ứng và nguyên liệu sản xuất còn bị động, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hàng cấp 1 do Tổng công ty vật tư nông nghiệp (VIGECAM) nhập khẩu và cung ứng. Để thực hiện theo kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra, ban lãnh đạo công ty đã phải tính toán kỹ lưỡng nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro, hao hụt trong quá trình lưu kho bãi và kịp thời vụ sản xuất nông nghiệp.
Năm 1995, Công ty mạnh dạn đăng ký nhập ủy thác phân bón cho Tổng công ty vật tư nông nghiệp (VIGECAM). Để thuận lợi trong thủ tục giao nhận hàng hóa, Công ty thành lập các tổ giao nhận ngoại tỉnh trực tiếp tại các chân hàng như: Đà Nẵng, Hải Phòng, Lâm Thao, Văn Điển,…Tuy nhiên, doanh thu từ nhập hàng ủy thác quá thấp so với công sức, chi phí đơn vị bỏ ra. Điều này đòi hỏi Ban giám đốc phải thay đổi chiến lược, bứt phá để tìm ra hướng đi mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Tháng 7 năm 1997, sau thời gian nỗ lực với vai trò đơn vị ủy thác nhập khẩu, hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành dịch vụ hậu cần góp phần quan trọng phục vụ phát triển nông nghiệp của cả nước. Công ty được Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Thương Mại và UBND Tỉnh Nghệ An đánh giá cao, giao nhiệm vụ làm đầu mối nhập khẩu trực tiếp các loại phân bón cung ứng trên địa bàn toàn tỉnh và phục vụ thêm các tỉnh bạn: Hải Phòng, Quy Nhơn, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung Tây Nguyên,…. Thời điểm này do chưa có các Nhà máy phân bón lớn trong nước nên các mặt hàng phân bón Đạm UREA, Kalyclorua, DAP, SA,… chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài về, sản lượng nhập khẩu và cung ứng trên dưới 90 ngàn tấn/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động và từng bước nâng cao uy tín thương hiệu của Công ty đối với thị trường trong nước và quốc tế.
Đối với phân bón tổng hợp NPK, nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, bà con nông dân đã nhận thấy được những lợi thế, thuận tiện trong việc sử dụng phân NPK để thay thế phân đơn. Năm 1998, Công ty mở rộng thêm 02 cơ sở sản xuất mới tại xã Viên Thành, huyện Yên Thành và xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tăng sản lượng cung ứng từ 9.000 tấn/năm lên 25.000 tấn/năm. Tuy sản lượng chưa nhiều nhưng đã phần nào đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân trong tỉnh thời kỳ đó với giá cả thấp, chất lượng tốt, chủ động đủ nguồn hàng đáp ứng thời vụ sản xuất cho bà con mọi lúc, mọi nơi.
Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, phương châm hỗ trợ đồng hành cùng nhà nông là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của đơn vị. Từ năm 1990 đến nay, Công ty đã mạnh dạn, tiên phong đi đầu thực hiện chính sách hỗ trợ, cho nông dân vay ứng vật tư phân bón. Việc vay ứng được thực hiện thông qua các tổ chức trung gian như Hợp tác xã, Hội nông dân,…và có sự phối hợp, tham gia của chính quyền địa phương như Ủy ban nhân dân xã, phòng nông nghiệp và Ủy ban nhân dân huyện. Thời hạn cho vay gắn liền với thời vụ sản xuất, chính vì vậy nông dân tạo điều kiện hỗ trợ nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo có vật tư phân bón để sản xuất thâm canh, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng tăng trưởng bền vững.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt chính sách này trong suốt chặng đường 25 năm qua là điều rất ít doanh nghiệp trên cả nước làm được. Hơn thế nữa, số lượng vàchủng loại vật tư phân bón cho nông dân vay ứng ngày càng tăng trưởng, địa bàn phục vụ ngày càng được mở rộng. Không chỉ nông dân tỉnh Nghệ An mà các tỉnh bạn như Hà Tĩnh, Bình Định, Quảng Ngãi, Đăk Lăk, Hà Nam…cũng được hưởng chính sách này. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của tập thể cán bộ, công nhân viên công ty. Để làm được điều đó, Công ty luôn giữ chữ tín, chữ tâm đốivới bà con nông dân và chỉ đạo quyết
liệt trong sản xuất kinh doanh, xác định chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ là yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.
Năm 1999, Công ty đã đưa ra sáng kiến nhập hàng rời đóng gói tại cảng Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Quyết định này đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động trong đơn vị và hàng trăm lao động tại Cảng Cửa Lò với thu nhập ổn định. Bên cạnh đó giải quyết khó khăn trong khâu thiếu chủ động nguyên liệu, hạ giá bán sản phẩm, tăng sản lượng tiêu thụ, đưa lại lợi nhuận cao hơn cho đơn vị.
Không ngừng đổi mới, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặt chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ lên hàng đầu, luôn đồng hành hỗ trợ người nông dân. Nên sản phẩm phân bón tổng hợp NPK của Công ty sản xuất nhanh chóngđược nông dân tỉnh nhà tin tưởng, lựa chọn. Hơn nữa, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhu cầu đầu tư thâm canh, trình độ dân trí của bà con nông dânđược nâng lên. Ba phân xưởng sản xuất nhỏ của Công ty không thể đáp ứng đủ lượng theo đơn đặt hàng. Trước tình hình đó, Công ty quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón tổng hợp NPK công suất 5,5 vạn
tấn/năm tại địa chỉ số 100, đường Nguyễn Trường Tộ, Thành phố Vinh. Đồng thời, mạnh dạn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9002:1994 vào quá trình quản lý của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Mặt khác công ty cũng tổ chức kiện toàn, trang bị thêm phương tiện vận tải để đảm bảo cung ứng kịp thời hàng hóa khi vào vụ sản xuất. Có những thời điểm đội xe của Công ty lên đến trên 35 đầu xe chuyên chở hàng hóa phục vụ trực tiếp tại mỗi địa phương. Hệ thống quầy ốt, cơ sở vật chất của từng đơn vị trực thuộc, trạm vật tư nông nghiệp cũng được nâng cấp, mở rộng với hơn 115 quầy ốt bán lẻ.
Tháng 12 năm 2000, nhà máy NPK hoàn thành và sản xuất ổn định với công suất mỗi năm từ 45.000 đến 50.000 tấn đã tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho công ty, đưa thị phần cung ứng phục vụ của đơn vị chiếm hơn 75% diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Chủng loại phân bón NPK cũng được Công ty nghiên cứu sản xuất cho phù hợp với đặc tính thời gian sinh trưởng của mỗi loại cây trồng, như NPK 8-10-3, NPK 5-10-3…chuyên dùng cho cây lúa; NPK 11-1-8, NPK 10-5-10….chuyên dùng cho cây mía; NPK 3-9-6 chuyên dùng cho câylạc, cây có củ khác,….
Với chính sách cho vay ưu đãi: lãi suất vay được tính chỉ bằng 50% lãi vay ngân hàng cùng thời điểm, không thu lãi đối với các xã nghèo vùng sâu, vùng xa; Chất lượng phân bón, chất lượng dịch vụ tốt nênsản lượng vật tư phân bón đầu tư cho nông dân thời điểm này đã lên đến 35.000 đến 40.000 tấn các loại mỗi năm.
Với chiến lược kinh doanh đúng đắn, luôn bám sát yêu cầu và nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà,xây dựng kế hoạch có tính khả thi cao, coi trọng sáng kiến, sáng tạo và các giải pháp khoa học công nghệ. Liên tục từ năm 1990 đến năm 2000 Công ty đều hoàn thành xuất sắc vượt mức kế hoạch giao, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Sản phẩm phân bón NPK của Công ty được nông dân tin dùng và yêu mến gọi tên “Người bạn tin cậy”. Song hành với sự tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận, việc làm và thu nhập của người lao động là sự quan tâm, chia sẻ và trách nhiệm của Công ty đối với cộng đồng, với xã hội
bằng những hành động cụ thể như: đóng góp ủng hộ các quỹ như quỹ xóa nhà tranh tre tạm bợ, quỹ khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào lũ lụt, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng , ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ nạn nhân chất độc da cam…mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ cũng được ban lãnh đạo công ty đặc biệt quan tâm. Hàng năm tạo điều kiện thời gian, hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, công nhân viên đi học chuyên tu, tại chức, nghiệp vụ nâng cao tay nghề, lý luận chính trị. Có chính sách ưu tiên tiếp nhận con em cán bộ công nhân viên, sinh viên Nhà máy sản xuất phân bón NPK bằng giỏi các trường Đại học về làm việc. Lúc này đội ngũ cán bộ công nhân viên đã có 03 thạc sỹ, 75 đại học, 102 trung học và 47 công nhân tay nghề bậc cao.
Ghi nhận những thành tích tiêu biểu trong thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, ghi nhận những đóng góp của đơn vị đối với xã hội, cộng đồng đã tác động tích cực đến sự phát triển và đổi mới kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.Đảng và Nhà nước đã phong tặng cho tập thể và cá nhân đồng chí Giám đốc Công ty danh hiệu cao quý “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”. Đây là mốc son chói lọi, cũng là động lực quan trọng để Công ty giữ gìn và phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng lao động trong suốt chặng đường phát triển tiếp theo.
Năm 2004, Công ty vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân Chương độc lập hạng Ba vì những thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

Thời kỳ từ T4/2005 đến nay: Hoạt động mô hình doanh nghiệp cổ phần hóa.
Tháng 3 năm 2005, thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, công ty chuyển đổi sang mô hình Công ty cổ phần với tên gọi Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An theo quyết định số 816/QĐ/UB-ĐMDN ngày 18/3/2005. Số vốn điều lệ được xác định khi cổ phần hóa là 17.163.440.700 đồng ( trong đó: tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước là 30%, CBCNV và cổ đông chiến lược 70%). Đây là bước ngoặt lớn trên chặng đường phát triển của đơn vị. Kể từ thời điểm này, Công ty hoạt động theo Luật doanh nghiệp, được tăng cường thêm tính chủ động trong điều hành sản xuất, kinh doanh. Người lao động đồng thời
cũng là cổ đông, chủ sở hữu của công ty.
Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, nền tài chính lành mạnh, sổ sách hạch toán rõ ràng, công khai minh bạch, nên công tác cổ phần hóa được đơn vị thực hiện nhanh chóng, vượt thời gian kế hoạch của tỉnh giao. 100% cán bộ, CNV trong đơn vị đều được tham gia mua cổ phần theo giá ưu đãi của nhà nước.
Hội đồng quản trị nhiệm kỳ I (2005-2008) gồm có 07 thành viên:
– Đồng chí Trương Văn Hiền Chủ tịch HĐQT
– Đồng chí Phạm Thị Hòa Phó Chủ tịch HĐQT

– Đồng chí Lê Văn Minh – Thành viên HĐQT
– Đồng chí Trần Công Thư – Thành viên HĐQT
– Đồng chí Nguyễn Trọng Tình – Thành viên HĐQT
– Đồng chí Ngô Trọng Phú – Thành viên HĐQT
– Đồng chí Trần Tiến Sinh – Thành viên HĐQT


Mô hình hoạt động của Công ty sau cổ phần hóa được duy trì ổn định với bộ máy tổ chức gồm:

Phòng ban trực thuộc: Phòng Kế toán tài vụ, Phòng Kinh doanh, Phòng Tổ chức hành chính và Phòng Giống.
Các đơn vị trực thuộc: 01 Trạm Tiếp nhận hàng hóa tại cảng Cửa Lò, 01 Nhà máy sản xuất phân bón Sao Vàng, 01 khách sạn ToGi, 11 đơn vị hạch toán phụ thuộc là các Trạm Vật tư nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp huyện: Nam Đàn, Nghi Lộc, Thanh Chương, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Phủ Quỳ, Anh Sơn, Tân Kỳ, Tương Dương. Số lượng cán bộ công nhân viên toàn công ty lúc này có 263 người.
Sau cổ phần hóa, công ty tự chủ hơn trong sản xuất kinh doanh, hàng hóa cũng đa dạng hơn. Ngoài phân bón, công ty mở rộng kinh doanh các mặt hàng khác như khô đậu tương, đường, ngô hạt, các giống lúa lai Trung Quốc….Trong đó phân bón vẫn chiếm tỷ trọng lớn trên tổng doanh thu của đơn vị, còn các mặt hàng khác kinh doanh theo nhu cầu của thị trường, không ổn định. Tuy nhiên, thời điểm này thị trường kinh doanh phân bón diễn biến hết sức phức tạp. Nguồn hàng nhập khẩu thường xuyên biến động về giá cả, nguồn hàng trong nước chịu sự cạnh tranh, chi phối của mặt hàng đạm Phú Mỹ. Trước tình hình đó, để đổi mới, tạo bước đột phá, công ty đã chủ động mở rộng sang hoạt động nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.
Bước đầu tiếp cận với một lĩnh vực hoàn toàn mới, mang tính khoa học cao. Để kinh doanh bền vững và hiệu quả, ngay từ đầu Ban lãnh đạo công ty đã xác định phải đi từ kết quả nghiên cứu khoa học, gắn sản xuất với kinh doanh và yêu cầu phải có sự đầu tư nghiêm túc về cơ sở vật chất cũng như nhân lực cán bộ.
Tháng 10 năm 2005, sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cho thuê lại 12 ha đất tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, công ty đã bắt tay vào thành lập và xây dựng Trại nghiên cứu, chọn tạo giống. Đồng thời tiếp nhận đội ngũ cán bộ kỹ thuật và chuyên gia có năng lực, có kinh nghiệm về làm việc.Hoạt động nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống trong những năm đầu thực sự rất khó khăn, chi phí đầu tư lớn nhưng chưa đem lại hiệu quả kinh tế cho đơn vị.
Năm 2007, trước áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp ngày càng gay gắt sau khi Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Để phát triển thị trường ngoại tỉnh và thuận tiện trong công tác bán hàng, công ty mở thêm văn phòng đại diện tại các tỉnh Lào Cai, Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng…Tuy nhiên lượng hàng nhập khẩu tiêu thụ đã giảm nhiều so với trước đây do có sự ra đời của các đơn vị sản xuất trong nước như: Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy DAP Đình Vũ…Nếu doanh nghiệp chỉ kinh doanh thương mại đơn thuần, giai đoạn này thực sự gặp rất nhiều khó khăn.
Mặc dù đã chủ động gắn sản xuất với kinh doanh, kinh doanh với phục vụ, chú trọng đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, lấy sản xuất làm nền tảng. Nhưng giai đoạn này, mặt hàng phân bón NPK của Công ty cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh khi nhiều đơn vị tư nhân nhỏ lẻ lắp đặt dây chuyền sản xuất thủ công, chất lượng không đảm bảo nhưng nhái thương hiệu, mẫu mã, bao bì sản phẩm của Công ty đã gây khó khăn, phần nào ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị và thiệt hại cho bà con nông dân. Trước thực tế đó, sau nhiều băn khoăn trăn trở, công ty đã quyết định trích Quỹ Đầu tư phát triển và vay vốn Ngân hàng đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón tổng hợp NPK chất lượng cao, dây chuyền tiên tiến hiện đại,công suất 100.000 tấn/ năm tại Khu kinh tế Đông Nam, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Tháng 10 năm 2009, sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An giao cho Ủy ban nhân dân huyện Nghi Lộc thực hiện phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tổng công ty đã xin chủ trương của tỉnh và được sự đồng thuận của Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Ủy ban nhân dân huyện Nghi Lộc, Ủy ban nhân dân xã Nghi Long cho đơn vị tạm ứng trước kinh phí của doanh nghiệp đền bù giải phóng mặt bằng cho dân để sớm bàn giao đất xây dựng Nhà máy. Chính vì vậy, công tác đền bù giải phóng mặt bằng cơ bản được hoàn thành nhanh chóng.
Tháng 5 năm 2011, sau gần hai năm xây dựng và lắp đặt thiết bị, dây chuyền sản xuất phân bón tổng hợp NPK chất lượng cao công suất 100.000 tấn/ năm được đưa vào vận hành hoạt động. Với công nghệ tự động hóa, thiết bị tiên tiến hiện đại nhất khu vực các tỉnh phía Bắc, các sản phẩm của Nhà máy như NPK 16-16-8, NPK 15-5-20, NPK 13-13-13, NPK 15-7-15, NPK 10-5-10…đã đáp ứng yêu cầu của đơn hàng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Mô hình tổ chức, cơ cấu vốn của Công ty giai đoạn này cũng có những thay đổi phù hợp với định hướng phát triển: Tháng 11 năm 2007, nâng cấp các đơn vị trực thuộc từ Xí nghiệp dịch vụ Vật tư nông nghiệp lên Công ty TNHH một thành viên; Tháng 3 năm 2008, đổi tên thành Công ty cổ phần- Tổng công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An và nâng vốn điều lệ lên 46 tỷ đồng (Nhà nước sở hữu 19,9%); Tháng 1 năm 2009, nhà nước thoái vốn, công ty cổ phần hóa 100%, đổi tên công ty thành Tổng công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An với số vốn điều lệ 55 tỷ đồng và giữ nguyên tên gọi này cho đến ngày nay.
Với phương châm “ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công của doanh nghiệp”.Song hành với việc đầu tư lắp đặt thiết bị công nghệ mới trong sản xuất phân bón. Lĩnh vực nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, kinh doanh giống cũng được Tổng công ty đặc biệt quan tâm. Bằng các giải pháp cụ thể như: Trích lập Quỹ Khoa học công nghệ để phục vụ cho mục đích nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ tại đơn vị; Đầu tư kinh phí cải tạo lại mặt bằng đồng ruộng, xây dựng thêm hệ thống kênh mương, bê tông hoá nhà kho, sân phơi; Xây dựng, lắp đặt hệ thống kho Lạnh đạt tiêu chuẩn quốc gia trong bảo quản giống; Xây dựng nhà máy sấy, chế biến và lắp đặt hệ thống sấy đạt tiêu chuẩn…Phối hợp với các Viện nghiên cứu, Viện khoa học, Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, các nhà khoa học… trong công tác nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống; Đầu tư kinh phí mua bản quyền tác giả các giống tiến bộ mới…

Sau nhiều năm nỗ lực, lĩnh vực nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất kinh doanh giống của Tổng công ty đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ:
+ Chọn tạo thành công các giống lúa mới được Hội đồng khoa học Cục trồng trọt, Bộ nông nghiệp và PTNT đánh giá cao như giống lúa thuần Vật tư NA2, giống lúa gạo đỏ Nam Đàn;
+ Chuyển giao thành công bản quyền tác giả các giống tiến bộ mới như: Giống Ngô lai LVN 14 của Viện nghiên cứu Ngô, giống Lạc L26 của Viện Cây Lương thực & Thực phẩm, giống Lúa thuần DT 68 của Viện Di truyền;
+ Được Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Trồng trọt, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Sở Nông nghiệp & PTNT cũng như các địa phương trong và ngoài tỉnh đánh giá cao thành tích của đơn vị trong việc xây dựng các mô hình “Hợp tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật”, mô hình “Sản xuất giống xác nhận”, “Mô hình lai tạo sản xuất giống Ngô lai F1”; mô hình “Cánh đồng mẫu”, “Cánh đồng mẫu lớn” …
+ Được Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn tin tưởng, đánh giá cao trong lĩnh vực nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống và giao trách nhiệm cùng phối hợp với Viện khoa học Bắc Trung Bộ, Trung tâm chuyển giao công nghệ khảo nghiệm chọn tạo các giống lúa mới như LH 12, BT 09, NA6,…
+ Tạo điều kiện cho hàng vạn nông dân các tỉnh từ Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Quảng Ngãi, Đăk Lăk, …v.v tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất  nông nghiệp góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích; rút ngắn lộ trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Cùng với những kết quả đạt được trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Tổng công ty mở rộng kinh doanh đa ngành nghề, phát triển thị trường ngoại tỉnh. Đồng thời nâng cấp,chuyển đổi mô hình hoạt động của các Công ty thành viên lên các Công ty cổ phần, hạch toán độc lập để tăng cường tính tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, tăng trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với tập thể. Đầu tư vốn mua cổ phần tại các đơn vị trong và ngoài ngành để mở rộng thị phần cung ứng phục vụ, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong điều kiện hội nhập quốc tế.


Tháng 9 năm 2011, Công ty tiến hành chuyển đổi mô hình hoạt động 11 Công ty TNHH một thành viên cấp huyện sang Công ty cổ phần, hạch toán độc lập. Tỷ lệ sở hữu vốn của Tổng công ty chiếm từ 51% đến 73.4% vốn điều lệ, quản lý theo mô hình Công ty mẹ- công ty con. Vốn điều lệ của các công ty con được xác định trên cơ sở kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và giá trị phần vốn Tổng công ty trên Báo cáo tài chính của từng đơn vị thời điểm 30/06/2011. Đồng thời thành lập 02 công ty mới để gắn kinh doanh với địa bàn phục vụ: Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Quỳ Hợp và Công ty cổ phần Vật tư
nông nghiệp Quỳ Châu. Vốn điều lệ của các công ty con thấp nhất là 1 tỷ đồng và cao nhất là 2,4 tỷ đồng.
Sau cổ phần hóa, trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên Công ty huyện được nâng lên rõ rệt, thu nhập của người lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng trưởng. Hàng năm các công ty đảm bảo mức chi trả cổ tức cho các cổ đông với mức bình quân đạt 22%, trong đó đơn vị thấp nhất là 16%, đơn vị cao nhất là 30%.
Tháng 12 năm 2012, Tổng công ty thành lập doanh nghiệp: Công ty cổ phần khoa học công nghệ nông nghiệp chuyên về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống. Đây là đơn vị đầu tiên trong tỉnh Nghệ An được Bộ khoa học công nghệ, Sở khoa học công nghệ thẩm định và cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp Khoa học công nghệ.
Tháng 3 năm 2013, Tổng công ty mua cổ phần Nhà nước thoái vốn tại Công ty cổ phần Lương thực Vật tư nông nghiệp Đăk Lăk và trở thành Nhà đầu tư chiến lược, cổ đông sở hữu cổ phần chi phối tại Công ty Lương thực Vật tư Đăk Lăk, với mặt hàng sản xuất, kinh doanh chủ lực là Tinh bột sắn. Đây là định hướng đầu tư đúng đắn tạo bước phát triển đột phát cho Tổng công ty, đồng thời là bước đệm vững chắc để Tổng công ty phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm phân bón, giống trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Ngay khi tiếp quản phần vốn nhà nước và trở thành cổ đông chi phối, Tổng công ty đã tham gia điều hành và giao trách nhiệm một đồng chí Phó Tổng giám đốc chỉ đạo trực tiếp trong công tác quản trị doanh nghiệp. Đồng thời triển khai đồng loạt các giải pháp để phát huy hiệu quả sản xuất của các Nhà máy:
+Đầu tư lắp đặt thêm thiết bị, nâng công suất hoạt động của hai nhà máy sản xuất tinh bột sắn từ 250 tấn lên 400 tấn/ ngày.
+ Lắp đặt 02 hệ thống sấy, ép bã để tối đa hóa lợi nhuận từ chế biến tinh bột sắn.
+ Song hành với việc mở rộng sản xuất, đơn vị cũng triển khai nâng cấp hệ thống xử lý môi trường, nước thải, tạo nguồn khí Biogas ổn định góp phần tiết kiệm nhiên liệu khí đốt và giữ gìn vệ sinh môi trường.
Với những quyết định táo bạo, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, bám sát tình hình điều kiện thực tế để từng bước tháo gỡ khó khăn. Sau khi Tổng công ty đầu tư vốn, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Công ty cp Lương thực Vật tư nông nghiệp Đăk Lăk tăng lên rõ rệt, năm 2015 lợi nhuận dự kiến đạt 180 tỷ đồng, tăng gấp ba lần so với trước đây.
Tháng 4 năm 2013, để gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết giá trị lúa gạo… Tổng công ty đã lắp đặt và đưa vào vận hành dây chuyền xay xát, đánh bóng gạo công suất 10 tấn/ giờ và hệ thống kho chứa thóc, gạo 11.000m2 đảm bảo sức chứa trên 30.000 tấn tại Khu kinh tế Đông Nam, Nghi Long, Nghi Lộc, Nghệ An.
Tháng 6 năm 2013, sáp nhận Công ty cổ phần khoa học công nghệ nông nghiệp về Tổng công ty, nâng số vốn điều lệ của Tổng công ty lên 61,33 tỷ đồng.
Tháng 7 năm 2013, cổ phần hóa Nhà máy Nghi Long thành lập Công ty cổ phần Lương thực Vật tư nông nghiệp Nghệ An, địa chỉ: Khu kinh tế Đông Nam, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An với số vốn điều lệ được xác định là 60 tỷ đồng. Đồng thời chuyển toàn bộ mảng sản xuất, kinh doanh phân bón, gạo sang Công ty cổ phần Lương thực Vật tư nông nghiệp Nghệ An. Nhờ công tác tổ chức sản xuất tốt, bám sát quy luật cung cầu của thị trường, chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ luôn được quan tâm, chú trọng nên 6 tháng đầu tiên sau khi thành lập công ty lãi 3,1 tỷ đồng, sang năm thứ hai lãi 29 tỷ đồng và
dự kiến năm nay đem lại lợi nhuận trên 45 tỷ đồng.
Năm 2014, khi biết tin Công ty cổ phần khoáng sản Đăk Lăk, cổ đông có nhu cầu bán cổ phiếu do hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty liên tục 5 năm thua lỗ, không có lợi nhuận chi trả cổ tức. Ban lãnh đạo Tổng công ty trực tiếp tìm hiểu đã quyết định mua lại cổ phiếu của các cổ đông và trở thành Nhà đầu tư lớn nhất. Việc đầu tiên, HĐQT đã bắt tay vào sắp xếp kiện toàn hoạt động của Công ty, gắn trách nhiệm đối với từng cá nhân cụ thể, đặc biệt là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Sau 03 tháng kiện toàn hoạt động,phát huy được tiềm năng, nguồn lực sẵn có Công ty khoáng sản đã có lãi và dự kiến năm 2015
lợi nhuận đạt 10 tỷ đồng. Năm 2015, để mở rộng thị trường các tỉnh phía Bắc. Tổng công ty đã mua lại cổ phần Nhà nước thoái vốn tại Công ty cổ phần Giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Hà Nam, với tỷ lệ cổ phần sở hữu: 86,8%. Sau đó đổi tên công ty thành Công ty cổ phần Lương thực Vật tư nông nghiệp Hà Nam để gắn sản xuất với kinh doanh đa ngành nghề, phát huy thế mạnh trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp. Đây là một đơn vị cổ phần hóa từ năm 2005 nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh sau cổ phần không hiệu quả, lỗ lũy kế và công nợ quá hạn tồn đọng lớn, đời sống cán bộ, công nhân viên, người lao động rất khó khăn. Điểm xuất phát của Công ty Hà Nam đi lên từ kinh doanh thua lỗ, nhưng sau khi Tổng công ty tham gia quản trị doanh nghiệp, hiệu quả sản xuất kinh doanh được nâng lên rõ rệt, thị trường phục vụ giống và phân bón dần được khôi phục và đang trên đà phát triển.
Từ năm 2011 đến 2015, có thể đánh giá đây là giai đoạn bứt phá của Tổng công ty, thành công tiếp nối thành công. Nâng tầm hoạt động của đơn vị từ một Công ty cổ phần lên Tổng công ty phát triển lớn mạnh không chỉ về phạm vi, quy mô hoạt động mà cả trong lĩnh vực ngành nghề, hệ thống mạng lưới. Song hành với sự tăng trưởng, lớn mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Tổng công ty còn gặt hái được nhiều thành công trong công tác nghiên cứu khoa học: nhiều đề tài nghiên cứu đạt giải nhất, nhì, ba giải thưởng lao động sáng tạo của tỉnh, là doanh nghiệp khoa học công nghệ, đơn vị lá cờ đầu, điểm sáng của các tỉnh phía Bắc trong phong trào xây dựng Nông thôn mới. Đóng góp nhiều thành tích quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Chia sẻ:
Bài viết khác:
Zalo
Hotline